Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Vietnam v. Africa


Vì Dân Chủ. Hãy Từ Bỏ Sự Ngu Dốt. Lắng Nghe, Phân Tích, và Chọn  Lựa

Vì Dân Chủ. Hãy Từ Bỏ Sự Ngu Dốt. Lắng Nghe, Phân Tích, và Chọn Lựa. Hình: Trịnh Hội


Không. Bài blog này không phải nói về trận đá banh World Cup sắp tới giữa đội tuyển Việt Nam và Châu Phi vì thật ra Việt Nam có vô lọt được tới đâu mà đá! Mà tôi đặt tựa đề như thế là vì hôm nọ nhân dịp đi ngang thủ đô Kampala của Uganda tôi thấy trên một bức tường gạch trong thành phố, chính phủ có cho vẽ một câu khẩu hiệu về dân chủ mà tôi nghĩ tôi nên chụp lại để giới thiệu cho độc giả của đài cùng xem. Khẩu hiệu ấy được ghi như sau:

For Democracy. Reject Ignorance. Listen, Analyse, and Choose.

Vì Dân Chủ. Hãy Từ Bỏ Sự Ngu Dốt. Lắng Nghe, Phân Tích, và Chọn Lựa
.

Lúc đọc xong tôi bỗng nghĩ: chẳng biết đến bao giờ thì nhà cầm quyền Việt Nam sẽ cho vẽ một khẩu hiệu y như vậy ở Sài Gòn và Hà Nội.

Đối với đại đa số người Việt tôi đoán chắc ai cũng nghĩ Châu Phi là nơi nghèo nhất, loạn lạc nhất và nói chung là kém văn minh nhất trên thế giới. Chúng ta nghĩ nói gì đi nữa cho dù có tệ đến mấy thì Việt Nam cũng còn hơn được Châu Phi. Tôi cũng đã từng có sự suy nghĩ như thế.

Nhưng từ hôm sang Châu Phi làm việc cho đến nay và thấy được tận mắt những thay đổi lớn lao trong xã hội từ Uganda sang đến Kenya, Egypt và Nam Phi, tôi ý thức được rằng tôi đã hơi bị… sai. Không hẳn là sai hoàn toàn vì Việt Nam vẫn còn hơn một số nước khác như Congo, Zimbabwe, Somalia..., nhưng đã sai rất nhiều khi cho là cả lục địa Châu Phi đều nghèo nàn và lạc hậu như thế.

Đối với những quốc gia tương đối giàu có và đang trên đà phát triển như Nam Phi, Kenya, Ai Cập chắc chắn là Việt Nam không thể sánh bằng. Từ lĩnh vực kinh tế, giáo dục cho đến xã hội dân sự hay chính trị. Nhưng ngay cả đối với những nước cách đây một hai thập niên vẫn còn bị chiến tranh tàn phá, hàng ngàn hàng vạn người đã bị giết dã man như ở Uganda hoặc Rwanda, tôi thấy tại thời điểm này Việt Nam vẫn có thể học được nhiều bài học từ họ.

Bài học thứ nhất tôi nghĩ chúng ta có thể học được là sự cam kết của các chính phủ đương thời thực thi những quyền lợi căn bản nhất của người dân trong nước: quyền được tự do hội họp, thành lập đảng phái và tự do ngôn luận. Những tờ nhật báo ở Uganda mà tôi đọc hằng ngày đều cho đăng và bàn cãi những vấn đề thời sự nổi bật liên quan đến các chính sánh của quốc gia và sự chỉ trích của những đảng phái khác về việc bầu cử toàn quốc vào Quốc Hội trong năm 2011.

Bài học thứ hai chúng ta cần phải học từ Châu Phi là mặc dù ở những quốc gia này phần lớn đều đang phải đối phó với vấn đề bộ lạc (tribalism), người từ bộ lạc này không tin người ở bộ lạc khác, nhưng nhìn chung họ đều đồng ý xây dựng một hệ thống pháp lý tương đồng nhưng độc lập hoàn toàn đối với chính quyền hiện tại.

Tôi cho đây là một điểm son không phải vì tôi là luật sư nên tôi thích thấy có những cải tổ ở lãnh vực này mà vì nếu như hệ thống luật pháp không công bằng, minh bạch và quan trọng hơn là độc lập không bị chính quyền chi phối thì không một xã hội nào có thể tiến lên một cách nhanh chóng và hiệu quả được. Nếu không muốn nói là những xã hội ấy ngày sẽ càng bất công hơn vì hệ thống pháp lý cuối cùng chỉ là công cụ dùng để kiểm soát và bóc lột người bị trị.

Cũng có thể là tôi quan trọng hóa vấn đề. Nhưng ngày càng lớn tôi càng cảm nhận được sự cần thiết của những hệ thống căn bản cần phải có để làm nền tảng cho sự trưởng thành của một xã hội. Phải có nó, một hệ thống tam quyền phân lập, một nền báo chí tự do không bị bất kỳ một thế lực nào chi phối và một xã hội dân sự có sự góp mặt của nhiều tiếng nói và tổ chức phi chính phủ khác nhau – phải có được từng ấy thì người dân họ mới có thể ‘reject ignorance, listen, analyse, and choose’.

Biết đến khi nào thì người dân Việt Nam mới có thể làm được những điều ấy bạn nhỉ?

TH

Nguồn: http://www1.voanews.com/vietnamese/news/social-issues/vietnam-africa-06-23-2010-97002544.html

Trường Đại học Việt Đức

Lưu.

Sử dụng vốn vay WB để xây dựng trường Đại học Việt Đức
31/05/2010
KTĐT - Chính phủ vay vốn WB đầu tư xây dựng Trường Đại học Việt Đức và thực hiện theo cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước.

Trường Đại học Việt Đức được định hướng xây dựng, phát triển nhanh, phấn đấu sau khoảng từ 20 đến 25 năm Trường được xếp hạng vào danh mục 200 trường đại học hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến kết luận về cơ chế tài chính trong nước đối với Dự án “Xây dựng Trường Đại học Việt Đức” sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB).

Trường Đại học Việt Đức là trường đại học công lập, chất lượng cao; có sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nhiều mặt của Chính phủ và các trường đại học của Cộng hòa Liên bang Đức theo sự thỏa thuận, thống nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai nước

Chính phủ vay vốn WB đầu tư xây dựng Trường Đại học Việt Đức và thực hiện theo cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước.

Theo kết luận của Thủ tướng, việc đổi mới, phát triển giáo dục đại học là nhiệm vụ quan trọng, phải được tập trung chỉ đạo, tạo được những bước đột phá, tăng nhanh tỷ lệ nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ, chất lược cao, tăng nhanh số lượng đồng thời với việc bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu học tập của nhân dân.

Về cơ chế tài chính chi thường xuyên, Thủ tướng cho ý kiến áp dụng tương tự như các trường đại học công lập, song có yêu cầu cao hơn: ngoài các khoản thu từ học phí; các khoản tài trợ của Chính phủ Đức; các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phải đóng góp vào phần thu của Trường cao hơn; tích cực khuyến khích đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… Phấn đấu sau 10 năm hoạt động, Nhà nước hỗ trợ không quá 40% kinh phí chi thường xuyên. Các Bộ, ngành cần phối hợp xác định rõ cơ chế tài chính chi thường xuyên cho Trường bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, cần xây dựng cơ chế quản lý của Nhà nước và cơ chế hoạt động của Trường hiệu quả cao; phát huy tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía các trường đại học đối tác ở Đức để xây dựng và phát triển nhà trường nhanh với chất lượng cao ngay từ đầu.

Theo văn bản chỉ đạo mới nhất về việc thành lập Đoàn đàm phán Dự án vay vốn WB liên quan đến Dự án này, Thủ tướng cũng vừa đồng ý thành lập Đoàn đàm phán. Thời gian đàm phán

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì đàm phán của phía Việt Nam, tiến hành đàm phán với WB về dự án “Xây dựng Trường Đại học Việt Đức”, dự kiến diễn ra trong ngày 31/5.

Văn bản số 145/TB-VPCP/Chinhphu.vn

http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?NewsId=222353&CatId=37

PTT Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch ĐH Việt Đức

02/02/2010

Tối 2/2, Hội đồng Trường Đại học Việt Đức (VGU) do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch đã chính thức ra mắt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Eva Kuhne-Hormann, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Hessen (Đức) là Phó Chủ tịch. Tham gia Hội đồng trường còn có 18 thành viên khác là đại diện các bộ ngành, các doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Đức.

Tại lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, xây dựng trường Đại học Việt Đức thành trường đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, phấn đấu đến năm 2010 được xếp hạng Top 200 trường Đại học hàng đầu thế giới. Tại đây, hình thành một mô hình đại học hiệu quả cao trong quản lý, làm bài học kinh nghiệm cho đổi mới mạng lưới giáo dục Đại học ở Việt Nam…

Tổng vốn đầu tư xây dựng trường ước tính khoảng 230-250 triệu USD dùng để xây dựng trụ sở mới tại Bình Dương với hệ thống văn phòng, giảng đường, phòng thí nghiệm và trang thiết bị theo chuẩn của Đức. Ngoài nguồn vốn do Chính phủ 2 nước cấp hàng năm, Trường còn nhận được tài trợ của nhiều doanh nghiệp Đức, dùng để trao học bổng cho các sinh viên.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, VGU hoạt động theo quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Vì thế, Hiệu trưởng Trường có quyền quyết định phương án tuyển sinh phù hợp.

Dự kiến năm 2020, quy mô của trường sẽ là 5.000 sinh viên và đến 2030 đạt khoảng 12.000 sinh viên học học nhiều ngành nghề và nhiều bậc đào tạo khác nhau./.

Hữu Duyên (Vietnam+)
http://www.vietnamplus.vn/Home/PTT-Nguyen-Thien-Nhan-lam-Chu-tich-DH-Viet-Duc/20102/33447.vnplus
180 triệu USD xây trường ĐH quốc tế công lập đầu tiên
Cập nhật lúc 07:45, Chủ Nhật, 04/04/2010 (GMT+7)

Tại trụ sở Chính phủ hôm 3/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành để lấy ý kiến lần cuối cùng về dự án xây dựng trường ĐH Việt – Đức, trường ĐH quốc tế công lập đầu tiên tại Việt Nam.

Mô tả ảnh.
Cuộc họp lấy ý kiến lần cuối cùng về đề cương chi tiết Dự án xây dựng trường ĐH Việt – Đức. Ảnh Chinhphu

Theo dự toán thiết kế ban đầu của phía Cộng hoà Liên bang Đức, tổng số vốn đầu tư cho ĐH Việt – Đức lên tới 300 triệu USD.

Tuy nhiên, sau khi tính toán và hạn chế ở mức thấp nhất các hạng mục đề xuất, phía Việt Nam đưa ra con số vốn đầu tư cho dự án là 180 triệu USD (trong đó vốn vay ODA là 160 triệu USD), chưa bao gồm chi phí đền bù đất đai 50 ha (khoảng 150 tỷ đồng).

Số vốn để xây dựng trường là 150 triệu USD, 30 triệu USD còn lại là các chi phí khác (đã tính tới yếu tố trượt giá).

Tất cả các hạng mục của dự án đều phải được đấu thầu rộng rãi, công khai theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao Bộ GD-ĐT hoàn thiện lần cuối cùng đề cương chi tiết trên cơ sở bổ sung 4 cấu phần.

Đó là nêu rõ chi phí hoạt động chung trong 10 năm tới của Đại học Việt-Đức, thể hiện và làm rõ sơ đồ học phí, những khoản thu của Đại học Việt-Đức trong 10 năm đầu tiên, đưa khoản tiền đền bù giải phóng mặt bằng 50 ha (150 tỷ đồng) vào cấu phần cứng của dự án, đặt vấn đề cụ thể về tiến độ tài trợ vốn hoạt động của nhà trường từ phía CHLB Đức như đã cam kết.

Thứ trưởng Thường trực phụ trách Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và đầu tư của ngân sách nhà nước cho dự án xây dựng trường ĐH Việt-Đức.

Đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án sẽ là các học sinh xuất sắc của Việt Nam đã tốt nghiệp THPT, đặc biệt là những học sinh xuất sắc muốn theo học các ngành khoa học tiên tiến nhưng không đủ điều kiện theo học tại các trường quốc tế ở nước ngoài.

ĐH Việt Đức được xác định là trường đại học quốc tế công lập đầu tiên tại Việt Nam, cũng là dự án đầu tiên trong nhóm dự án xây dựng 4 trường ĐH xuất sắc có đẳng cấp quốc tế. Hiện có 40 trường đại học của CHLB Đức tham gia vào dự án. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Hội đồng của trường này.

Theo Chinhphu.vn
http://vietnamnet.vn/giaoduc/201004/Viet-Nam-se-co-truong-DH-quoc-te-cong-lap-dau-tien-902323/

NDN và vụ xì căng đan PCI

Huỳnh Phan

Khi đến hiện trường để phỏng vấn về việc thi công hai dự án đại lộ Đông Tây và cải thiện môi trường nước ở TP HCM, nhóm làm phim NDN đã đều bị các nhà thầu Nhật từ chối tiếp. Họ đành tạm bằng lòng với vài cảnh quay việc thi công ở cả hai công trường này.

Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng Việt Nam, hiện đã có đủ chứng cứ để đưa nguyên Giám đốc dự án Đông Tây và Môi trường nước TP HCM ra lại vành móng ngựa vì tội nhận hối lộ hơn 200 ngàn USD từ các cựu quan chức công ty tư vấn Pacific Consultancy International (PCI). Dư luận đang hồi hộp chờ đợi sự khởi đầu muộn màng của vụ tham nhũng ầm ĩ này sẽ tiến triển tới đâu, bởi theo những thông tin được đăng tải trên báo chí Nhật Bản, tổng số tiền ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã nhận có thể lên tới 800 ngàn USD, và thậm chí còn gấp ba lần con số đó.

Tờ báo có công đầu trong việc đưa vụ này ra công luận là Yomiuri Shimbun, với một loạt các bài viết kể từ cuối tháng 6.2008. Tuy nhiên, nguồn tư liệu chính của Yomiuri Shimbun là những lời khai của các cựu quan chức PCI, sau khi họ bị Viện Công tố Tokyo thẩm vấn. Nhưng hãng truyền thông Nhật Bản đầu tiên có một điều tra độc lập về hoạt động của PCI tại Việt Nam lại là NDN trước đó gần một năm. Mặc dù, mục đích đầu tiên của họ là thực hiện một phóng sự điều tra về hiệu quả của ODA Nhật Bản tại Việt Nam.

Từ PMU 18 đến PMU Đại lộ Đông Tây

Vụ tham nhũng tại PMU 18 được coi là sự kiện đình đám hàng đầu trong năm 2006. Và không chỉ ở Việt Nam.

Ngày 5.4.2006, tại Ủy ban Quyết toán ngân sách của Thượng viện Nhật, một nghị sĩ Đảng Dân chủ Nhật Bản, lúc đó là đảng đối lập lớn nhất trên chính trường Nhật Bản, đã đưa vấn đề PMU 18 (phần có liên quan đến vốn ODA của Nhật Bản) ra chất vấn Thủ tướng Koizumi, và yêu cầu Bộ Ngoại giao phải cử ngay đoàn sang Việt Nam điều tra về hiệu quả sử dụng ODA tại Việt Nam.

Khi đến hiện trường để phỏng vấn về việc thi công hai dự án đại lộ Đông Tây và cải thiện môi trường nước ở TP.HCM, nhóm làm phim NDN đã đều bị các nhà thầu Nhật từ chối tiếp. Ảnh minh hoạ.

Tháng 8.2006, hãng NDN đã quyết định làm một phóng sự điều tra riêng về các công trình có vốn ODA của Nhật tại Việt Nam. Trần Huy Công, đại diện NDN tại Việt Nam, đã kể rằng mục đích của phóng sự này là trả lời hai câu hỏi: “Vốn ODA có hiệu quả không đối với việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân Việt Nam? Nếu không, tại sao như vậy?”.

Khi đến hiện trường để phỏng vấn về việc thi công hai dự án đại lộ Đông Tây và cải thiện môi trường nước ở TP HCM, nhóm làm phim NDN đã đều bị các nhà thầu Nhật từ chối tiếp. Họ đành tạm bằng lòng với vài cảnh quay việc thi công ở cả hai công trường này.

Nhưng những thông tin và hình ảnh được đăng tải dày đặc trên báo chí Việt Nam về hàng ngàn cọc bê tông trong dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Bình Chánh đổ xiêu đổ vẹo, và dự án đại lộ Đông Tây bị chậm tiến độ đến mấy năm, đã được họ sử dụng như những tư liệu phụ trợ. Và, ở cả hai dự án này, họ đã tìm ra một manh mối mới – công ty tư vấn PCI được giao cả hai nhiệm vụ tư vấn thiết kế và giám sát thi công.

NDN không lạ gì PCI. Công ty này đã từng bị JICA cấm tham gia đấu thầu tư vấn các dự án ODA trong 18 tháng kể từ đầu tháng 9 năm 2004, do đã biển thủ 140 triệu yen bằng cách khai khống hoá đơn và gian lận…, kể từ năm tài khoá 2000 đến thời điểm đó. Kết quả, PCI đã phải hoàn lại cho JICA 171 triệu yen và JBIC 5,7 triệu yen.

Nhóm làm phim NDN lại tiếp tục lần đến Cục Thuế TP HCM. Theo thông tin họ thu thập được trên báo chí Việt Nam, trước đó, Cục Thuế thành phố đã cho biết rằng PCI kê khai mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của các chuyên gia nước ngoài làm việc tại dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP HCM thấp hơn nhiều so với hợp đồng đã ký với ban quản lý dự án. Theo đó, trong năm 2005, 11 chuyên gia của PCI đã kê khai thu nhập thấp hơn so với hợp đồng với tổng số tiền là 34 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, gấp năm lần số đó còn không chịu khai thuế thu nhập.

Họ đặt ra hai câu hỏi với lãnh đạo Cục Thuế: Có hay không việc trốn thuế thu nhập, và, nếu có, sẽ bị truy thu thế nào? Câu trả lời họ nhận được là “vấn đề này quá tế nhị, nên Cục không thể trả lời”.

“Tất cả những sự từ chối quanh co đó, khiến chúng tôi tin rằng ở những dự án này chắc chắn có vấn đề, rất có vấn đề”, Trần Huy Công nhấn mạnh.

Cây cầu và con đập

Để có những hình ảnh cần thiết, nhóm làm phim phải đi tìm những dự án hoặc với qui mô nhỏ hơn, hoặc sự tham gia của người Nhật chỉ là gián tiếp.

Họ mò xuống Tiền Giang quay cây cầu Long Bình – một dự án được thực hiện với tiền viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật. “Đập vào mắt chúng tôi là một cây cầu dài tới 100 m, bắc qua một con rạch chỉ rộng khoảng 8 m”, Trần Huy Công nhớ lại.

Theo tìm hiểu của NDN, lúc đầu Sở Giao thông công chính tỉnh chỉ xin 1,4 tỉ đồng làm một cây cầu dài khoảng 30 m, tĩnh không lưu thuyền 2,5 m, nhưng chẳng hiểu sao Bộ Giao thông Vận tải và sau đó là PMU 18 đã hào phóng kéo dài thành 55 mét (khoảng hơn 13 tỉ đồng), rồi xấp xỉ 100 mét, với độ tĩnh không lưu thuyền lên 3,5 m.

“Họ giải thích rằng nâng cao như vậy để tiện cho tàu nhỏ có thể đi qua gầm cầu. Nhưng con rạch này chảy qua gầm cầu chỉ mấy trăm mét nữa là cụt”, Trần Huy Công bật cười.

Ông kể rằng chỉ trong non một giờ đồng hồ nhóm làm phim đã quay được những cảnh hết sức nực cười. “Vì cầu quá dốc nên các bà già đi chợ vẫn vượt rạch bằng ghe. Học sinh đi học về đến chân cầu là phải nhảy xuống khỏi xe đạp, đứa dắt đứa đẩy, hổn hển qua cầu. Nhộn nhất là đường xuống ở một bên cầu phải nắn vòng, vì không thể giải tỏa trụ sở công an xã giống như nhà dân, nên chốc chốc lại có một chiếc xe máy từ trên cầu lao thẳng vào mấy anh công an trong đó”, Trần Huy Công nói.

Còn tại thủy điện A Vương – dự án mà phía Nhật chỉ cấp ODA để mua máy phát điện, còn tiền xây đập là của Việt Nam – nhóm NDN đã quay được cảnh dòng sông chết, kéo theo sự thay đổi của toàn bộ thảm thực vật và thuỷ sản – nguồn sống của người dân ở đó. “Vì con sông chạy theo hình cánh cung, mà chủ đầu tư (EVN) lại cố cắt theo đường đường thẳng, vì hiệu quả sản xuất điện, nên phía dưới con đập cả một đoạn sông hình cánh cung bị cạn khô,” Trần Huy Công giải thích.

Nhóm NDN cũng tìm lên Phố Núi – nơi tái định cư của đồng bào dân tộc. “Vừa đến nơi, chúng tôi thấy ngay cảnh cả người lớn và trẻ em chui hết xuống dưới sàn nhà bê tông – nơi vốn dành cho gia súc, gia cầm và chứa củi. Bởi trong căn nhà lợp mái tôn quá nóng bức”, Trần Huy Công nhớ lại.

Những người dân tái định cư ở đó nói với nhóm làm phim rằng họ chỉ cần non nửa số tiền mà ban quản lý dự án này bỏ ra là đủ làm được một ngôi nhà đúng theo ý muốn của họ.

“Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện ra rằng, khi con đập này đã được xây xong, báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn chưa được phê duyệt”, Trần Huy Công nói.

Kết thúc chuyến đi, nhóm làm phim NDN tìm đến trụ sở của PCI tại Hà Nội, cũng với hai câu hỏi: “Ý nghĩa của công việc tư vấn thiết kế và giám sát thi công đối với các dự án ODA?” và “PCI đã tư vấn và giám sát như thế nào để ODA đã không được sử dụng có hiệu quả, nếu không nói là đi ngược lại mục đích của ODA?”.

Viên trưởng đại diện Hà Nội của PCI – người đã tháp tùng cựu quan chức PCI vào Sài Gòn đưa tiền hối lộ – đã cho sập cửa ngay trước mũi họ, sau một câu trả lời gọn lỏn: “Bận”.

NDN hỏi – Viện Công tố trả lời

Phóng sự này được phát lại hai lần sau đó vài tháng trên kênh TBS News 23, với hàng loạt câu hỏi chưa có lời đáp.

“Khó có thể nói là chính phóng sự do NDN thực hiện và phát trên TBS đã khiến Viện Công tố Tokyo quyết định tiến hành điều tra PCI để tìm những câu trả lời. Nhưng chắc chắn rằng những hình ảnh trong phóng sự này đã gây một sự bất bình lớn trong dân chúng Nhật – những người đóng thuế để có tiền cho Việt Nam vay. Và có thể sự bất bình này đã tác động đến những người đại diện cho họ trong quốc hội, và các vị nghị sĩ đã làm tiếp phần việc của mình, như họ đã từng làm trước đó”, Trần Huy Công kết luận.

HP

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-24-ndn-va-vu-xi-cang-dan-pci

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

60 năm cuộc chiến Triều Tiên

Chí nguyện quân Trung Quốc 'Kháng Mỹ viện Triều' trong cuộc chiến mà hệ lụy còn đến ngày nay.


Vào tuần này, thế giới kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên trong lúc căng thẳng hai miền Nam Bắc vẫn còn cao sau vụ tàu Cheonan.

Giới quan sát cũng nhắc lại việc Trung Quốc tham chiến và cho rằng đây tiếp tục là bài học cho quân đội nước này trước nguy cơ một lần nữa sa vào mối quan hệ khó xử.

Dù kéo dài chỉ ba năm, từ 25 tháng 6 năm 1950 đến ngày Đình chiến 27 tháng 7 năm 1953, chính thức mà nói cuộc chiến chưa bao giờ thực sự chấm dứt.

Trung Quốc vào cuộc

Chiến tranh Triều Tiên được cho là mở màn cho xung đột hai phe tự do và cộng sản tại Châu Á mà xung đột tiếp đó tại Đông Dương làm bùng nổ cuộc chiến Việt Nam.

Dù tham chiến ngắn, Hoa Kỳ đã gửi tới chiến trường Đông Bắc Á gần 1,8 triệu quân, và trong đó hơn 36.900 người bị giết, con số không nhỏ hơn bao nhiêu so với thiệt hại sinh mạng của Mỹ tại Việt Nam (58 nghìn).

Nhưng đây cũng là cuộc chiến duy nhất Trung Quốc đụng độ trực tiếp với Hoa Kỳ, và con số Chí nguyện quân cộng sản Trung Hoa bị giết rất lớn.

Trên bán đảo Triều Tiên, di sản của cuộc chiến không chỉ là ngôi nhà tại Bàn Môn Điếm với quân đội hai miền Nam Bắc đối mặt hàng ngày, và dải đất phi quân sự chia cắt hai bên.

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chính là di sản lớn nhất của chiến tranh với thể chế quân sự hóa và người dân bị động viên "trực chiến" liên tục cho tới ngày hôm nay.


Tổng thống Rhee Syngman nhờ Tướng Douglas MacArthur chống quân cộng sản miền Bắc.


Với Trung Quốc, tác động của chiến tranh Triều Tiên là rất lớn.

Ông Vu Tân, Giám đốc Chương trình Đông Á, ĐH Wittenbuerg University, Hoa Kỳ cho rằng với người Mỹ đây là cuộc chiến "bị quên lãng", nhưng với Trung Quốc thì không.

Trong cuốn 'Cuộc chiến nhiều cách diễn giải' (One War, Various Interpretations), ông viết rằng Trung Quốc vẫn chưa ngã ngũ về việc đưa cả triệu quân sang 'Kháng Mỹ viện Triều" một phần vì bối cảnh ngày hôm nay cũng là điều "tiến thoái lưỡng nan" (dilema).

Một học giả khác, ông Lưu Minh ở Trung Quốc thì cho rằng nhìn lại quyết định của Mao Trạch Đông hồi đó, Trung Quốc không thể tránh khỏi việc dính líu vào cuộc chiến.

Thậm chí, ông giữ quan điểm rằng nhờ tham chiến mà Trung Quốc có một vị thế cao hơn trong quan hệ với các cường quốc.

Trong nghiên cứu mang tên 'Đánh giá lại Chiến tranh Triều Tiên sau 60 năm', ông Lưu cho rằng sau khi Stalin chấp nhận để Kim Nhật Thành nổ súng trước, Mao Trạch Đông đã thấy đó là một cơ hội để biến Bắc Triều Tiên là vùng trái độn, ngăn thế lực của Mỹ ở miền Nam với vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Ông Mao cũng tin rằng quân Mỹ, sau khi chiến thắng Nhật Bản ở Thái Bình Dương, là một mối đe dọa cho nước Trung Hoa cộng sản vừa thành lập.

Giáo sư Thời Ân Hoằng, nhà nghiên cứu quan hệ Trung - Mỹ tại Trung Quốc tin rằng chiến tranh Triều Tiên nằm trong chiến lược xây dựng phòng tuyến đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á.

Theo ông, Trung Quốc "chiến thắng" trong xung đột Triều Tiên nhưng đã "trả giá rất cao".

Hệ lụy cho châu Á

Còn Nguyễn Minh, chuyên gia từ Đài Loan trong nghiên cứu về chiến tranh Triều Tiên (Eulogy to the Korean War) thì nhắc đến hệ lụy của cuộc chiến với tình hình Đài Loan và thúc đẩy tâm lý phòng thủ, giảm nhẹ nhân quyền và tự do ở cả Đài Loan, hai miền Nam Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Tại Nam Hàn, chủ nghĩa chống cộng, một phần của cuộc chiến Nam Bắc, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Hán Thành quân sang Nam Việt Nam cùng Hoa Kỳ.


Quân Mỹ tại Nam Việt Nam

Sau chiến tranh Triều Tiên, quân đội Mỹ đã dính líu ngày càng sâu vào chiến trường Nam Việt Nam


Chế độ độc tài quân sự tại miền Nam cũng nhờ tình trạng chiến tranh kéo dài mà tồn tại được cho tới khi dân chủ nở rộ.

Ngay tại Đài Loan, dư âm của cuộc chiến Triều Tiên thể hiện mối đe dọa có thực khiến Quốc Dân Đảng lý giải phần nào việc duy trì thể chế đ̣ôc đoán trong nhiều năm.

Giáo sư Thời Ân Hoằng cũng nêu quan điểm rằng cuộc chiến giữa hai miền Triều Tiên "trực tiếp dẫn tới cuộc chiến Việt Nam" kéo dài sau đó nhiều năm.

Ngày nay, các tranh cãi không chỉ tập trung vào con số quân các bên bị thương vong mà còn cả về tác động của "nỗi sợ" bị tình hình lôi cuốn vào xung đột quân sự đối với nhiều thế hệ chính trị gia mỗi khi phải đề cập đến chủ đề Nam Bắc Hàn.

Về con số, tổng thiệt hại nhân mạng của Hoa Kỳ là gần 40 nghìn, Anh Quốc có gần 1100 quân bị giết tại trận, gần 2700 bị thương và hơn 1000 hoặc mất tích, hoặc bị bắt làm tù binh.

Phía Trung Quốc nói họ chỉ có khoảng 114 nghìn quân bị giết nhưng tài liệu của Ngũ Giác Đài cho rằng con số này lên tới 400 nghìn, gồm cả con trai Mao Trạch Đông là Mao Ngạn Anh.

Bên cạnh đó, số Chí nguyện quân Trung Quốc bị thương, theo tài liệu của Mỹ là gần nửa triệu.

Phía Anh nêu ra con số chừng 46 nghìn quân Nam Hàn bị giết, với thương vong phía miền Bắc cao hơn nhiều: 215 nghìn bị giết, trên 300 nghìn bị thương và trên 100 nghìn mất tích hoặc bị bắt làm tù binh.

Nhiều năm trôi qua nhưng quyết định tham chiến của Hoa Kỳ vẫn còn được giới sử gia gọi là "vấn nạn Truman/MacArthur".

Cho tới tháng 1 năm 1950, Ngoại trưởng Dean Acheson vẫn cho rằng cả bán đảo Triều Tiên nằm "ngoài phạm vi phòng thủ" (defense perimeter) của Hoa Kỳ.

Nhưng Tổng thống Harry Truman đã nghe lời tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh quân Mỹ, dấn sâu vào xung đột bảo vệ miền Nam chống miền Bắc xâm lấn đã đưa Hoa Kỳ lại gần cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc.

Tuy nhiên, xung khắc hai bên đã khiến Tổng thống cách chức tướng MacArthur, tạo tiền lệ cho những vụ Tòa Bạch Ốc không đồng ý với một số tướng lĩnh về cách điều hành chiến tranh tại Việt Nam sau này và ở Afghanistan hiện nay.

Lý lẽ chống làn sóng "cộng sản" và giúp chính quyền miền Nam của Tổng thống Rhee Syngman sau đó được áp dụng ở Việt Nam trong cuộc chiến tàn khốc hơn và bị quốc tế hóa sâu rộng hơn với Liên Xô và cả phe cộng sản đứng đằng sau miền Bắc.

Bình Nhưỡng cũng gửi một số phi công sang giúp Hà Nội chống lại các cuộc không tập của người Mỹ, còn Trung Quốc gửi các đơn vị công binh và phòng không.

Tuy nhiên, Bắc Kinh tránh để quân đội của họ giáp mặt với Hoa Kỳ và sau này đã đạt thoả thuận trực tiếp với Washington về Việt Nam năm 1972.

Tại Đông Bắc Á, bên cạnh quân Anh Mỹ còn có các lực lượng của Canada, Úc, New Zealand... cũng tham gia cuộc chiến dưới cờ Liên hiệp quốc.

Ngày nay cộng đồng quốc tế dù đã qua cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh nhưng chưa có giải pháp gì cho bế tắc trong quan hệ Nam Bắc Hàn đang nghiêm trọng hơn sau vụ tàu Cheonan.


Cảnh nạn nhân cuộc chiến Triều Tiên báo hiệu sự thảm khốc cho các xung đột Đông Dương về sau.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/06/100622_korea_war_60_years.shtml

Quê nhà Stalin dẹp tượng của ông



Tượng Stalin được đem đi trong đêm tối


Nhà chức trách tại Gruzia đã cho hạ một bức tượng của nhà độc tài Joseph Stalin ngay tại quảng trường trung tâm của thị trấn Gori quê ông.

Bức tượng đồng cao sáu mét đã được đưa đi bất ngờ vào giữa đêm, theo tin tức từ địa phương.

Tượng sẽ được chuyển đến một bảo tàng ở Gori dành riêng cho Stalin, theo lời Chủ tịch Hội đồng thành phố, Zviad Khmaladze.

Nhưng chắc rằng tranh cãi sẽ không chấm dứt ở đây.

Theo ông Khmaladze, tại nơi có tượng Stalin, người Gruzia nắm chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị Liên Xô, nay người ta sẽ dựng một đài tưởng niệm.

Đài tưởng niệm này sẽ dành cho cho các nạn nhân "cuộc xâm lăng của Nga", chiến cuộc giữa hai bên hồi 2008 vốn vẫn chia rẽ dư luận hai nước.

Joseph Stalin, sinh năm 1879 ở Gori và chết tại Moscow năm 1953.

Tên thật là Iosif Vissarionovich Dzhugashvili, ông tham gia cách mạng và trở thành "một trong những nhà độc tài "quyền uy và đẫm máu nhất trong lịch sử" theo đánh giá của trang BBC History.


'Công và tội'

Thủ tướng Nga Putin từng cho rằng Stalin là "nhà quản trị tài ba".


Trong vòng một phần tư thế kỷ, Stalin là lãnh tụ tối cao của Liên Xô. Chế độ khủng bố của Stalin làm hàng chục triệu người chết.

Nhưng mặt khác, Stalin cũng xây dựng một bộ máy chiến tranh lớn, đóng vai trò cốt tử trong việc đánh bại chủ nghĩa phát-xít.

Dù là người Gruzia, ông cũng bị cáo buộc đã trấn áp Giáo hội Chính thống ở quê nhà và hành hạ, giết hại nhiều trí thức Gruzia.

Và dù nói tiếng Nga với giọng Gruzia, ông lại là nhân vật lịch sử người Nga coi là của họ.

Cho đến ngày nay, chính giới, các sử gia và dư luận Nga vẫn còn tranh cãi về "công và tội" của Stalin.

Có vẻ như giữa Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev cũng có cách nhìn khác biệt.

Ông Putin từng chia sẻ quan điểm rằng Stalin là "nhà quản trị tài ba", nói về giai đoạn tái thiết Liên Xô sau chiến tranh.

Nhưng gần đây nhất, ông Medvedev đã công khai lên án các tội ác thời Stalin.

Nhưng với không ít cựu binh Liên Xô, ông Stalin vẫn là nhân vật đem lại vinh quang cho tổ quốc Xô Viết trong Đệ nhị Thế chiến.

Các nước Đông Âu thì có quan điểm ngược hẳn.

Những người cộng sản ở Ba Lan, Czech, và Hungary cũng đều cho rằng thời kỳ Stalin cầm quyền là giai đoạn đen tối.

Tại các nước cộng sản châu Á đã cải tổ như Trung Quốc và Việt Nam, vai trò của Stalin vẫn là đề tài bị né tránh thảo luận công khai.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/06/100625_stalin_statue_removal.shtml


Nền kinh tế người quen











Hồng Phúc




(TBKTSG) - Tại một hội thảo trao đổi kinh nghiệm đẩy mạnh công tác bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa diễn ra ở Hà Nội, Tổng Giám đốc một công ty chứng khoán tình thực thổ lộ: “Chúng tôi thường tuyển dụng cán bộ là nam, vì thường xuyên phải đi uống rượu, bia tiếp khách”.

Cách chia sẻ thật thà của ông làm cả hội trường cười ồ nhưng nó đã phản ánh một sự thật là nền kinh tế của chúng ta đang xây dựng trên những mối quan hệ quen biết, một kiểu làm ăn rất “đặc thù” Việt Nam.

Tuần trước, ông bạn vẫn bị cho là “chết gí” ở văn phòng cơ quan một bộ bỗng rủ đi uống bia với thông báo: Tôi “đủ đô” mở công ty rồi ông ạ, tháng này “ra” (tức ra khỏi nhà nước).

Khi một cán bộ cấp bộ “ra” mở một công ty thì chỉ riêng mối quan hệ sẵn có cũng đã có thể đóng góp 50% sự thành công vào sự nghiệp làm ăn của anh. Bởi có quan hệ, anh sẽ có hợp đồng, có dự án, có nguồn việc làm. Có quan hệ, anh có thể bán hay mua và kinh doanh chính những mối quan hệ đó. Ví dụ như anh có thể bán giấy phép đã xin được, bán lại dự án, bán lẻ lại dự án sau khi đã mua sỉ, giá thấp…

Thế mới có chuyện ở những khu đô thị mới ra đời trên địa bàn Hà Nội mở rộng, dự án chưa được giải tỏa đền bù nhưng đã được cắt bán buôn cho vài “chủ đại lý” lớn để “chế biến” rồi bán lẻ ra thị trường. Ở không ít dự án bất động sản đang sôi sùng sục tại Hà Nội, phần nào ngon nhất, hời nhất luôn có chủ khi chưa ai biết tới, thậm chí khi dự án còn chưa được vẽ ra giấy. Họ là những “đại gia” đi gom đất của cả vùng với giá bèo bọt, để rồi chỉ vài tháng sau đó, người dân mới ngã ngửa khi biết sẽ có một dự án hoành tráng mọc lên ở đây. Những món hời ấy há dễ có được nếu không dựa trên những mối quen biết lớn?

Cũng vì thế mới có chuyện các cựu quan chức thường được vời vào những công ty tư vấn hay ngoài quốc doanh sau khi đã nghỉ hưu và tận dụng những mối quan hệ lâu năm của mình vào “chương cuối của sự nghiệp”. Cũng không lạ gì khi con cháu, người thân của những vị này sống khỏe bằng những mối quan hệ đó.

Có một người quen là con của môt Vụ trưởng một Bộ. Nghề tay phải của anh là công chức của Bộ đó, nhưng nghề tay trái là chuyên chạy chọt, giới thiệu, dàn xếp các cuộc gặp gỡ giữa các nhà doanh nghiệp với ông X, bà Y, vị H. Cái nghề mua bán sự quen biết ấy cũng đủ giúp anh sắm vài chiếc ô tô xịn mỗi năm! Song thực tế, sự quen biết chỉ là khúc mở màn, còn diễn biến các câu chuyện kinh doanh đó phải được nối tiếp và lót đường bằng hoa hồng, những khoản lại quả, chưa kể khoản thực thi hợp đồng cũng thuộc về các công ty sân sau.

Nói đi thì cũng phải nói lại. Không phải công chức nhà nước cấp cao nào cũng vậy. Một cựu quan chức ngành ngân hàng từng xử lý những vấn đề nóng nhất của thị trường sau khi rút lui khỏi chức vụ đã tâm sự: Thách thức lớn nhất của người lãnh đạo làm đúng sứ mệnh mà anh muốn hay buộc phải gánh vác chính là sự cô đơn. Cô đơn trong các lý tưởng hướng tới và trong các quyết định. Sự cô đơn đến khi anh không thể ra những quyết định chiều theo ý muốn của số đông hoặc một nhóm lợi ích nào đó (mà họ luôn gây sức ép).

Cô đơn vì bản thân anh cũng không có điều kiện để biết hết các thông tin xung quanh một chính sách mà anh sẽ phải ban hành. Cô đơn vì sự quen biết hôm nay, ngày mai bỗng trở thành xa lạ giữa một đám đông khác, để rồi luôn phải thất vọng mỗi khi tự hỏi: “Ai là người thật lòng thật dạ với mình?”. Cô đơn vì khi chọn lựa lương tâm chức nghiệp trong quản lý, phải chấp nhận không có mặt “người quen”!

Còn nhớ một Đại biểu Quốc hội có lần đã phân trần rằng họ cũng là con người, có tình cảm, có “những người quen”. Trong số gần năm trăm Đại biểu Quốc hội, có bao nhiêu người lựa chọn sự cô đơn khi phải bấm nút cho những siêu dự án mơ hồ?

Và với những ai còn ngồi trên ghế nóng sẽ còn luôn phải trăn trở trước sự lựa chọn: cô đơn và lương tâm chức nghiệp. Sự cô đơn của những chiếc ghế nóng là có thật. Ở bất cứ đâu, nếu anh còn để những mối quen biết lộng hành thì sự chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và sự liêm chính sẽ phải bị lép vế. Một “nền kinh tế người quen” hẳn nhiên sẽ tiếp tục làm méo mó tất cả các mối quan hệ kinh tế và xã hội khác.


Nguồn:

http://www.thesaigontimes.vn/Home/vanhoa/sinhhoatvanhoa/36518


Báo chí Việt Nam dưới mắt nhà báo tự do


Gia Minh
, Biên tập viên RFA

Tại Việt Nam, ngày 21 tháng 6 hằng năm được dành cho các nhà báo. Năm nay chính quyền Hà Nội cho tiến hành kỷ niệm 85 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.


Một cửa hàng bán báo tại Hà Nội, ảnh chụp hôm 26/04/2010. RFA Photo/Tyler Chapman


Báo chí lề trái

Đây là ngày của những người tham gia làng báo được Chính phủ công nhận, cấp phép. Trong khi đó ở Việt Nam còn có một đội ngũ gọi là ‘báo chí lề trái’ gồm những người không muốn ghép mình vào khuôn khổ mà cơ quan chức năng đề ra cho công việc đưa tin.

Vậy những người này có cái nhìn ra sao đối với báo chí chính thức đi theo lề phải mà cơ quan chức năng đề ra? Gia Minh trình bày trong phần sau.

Chính quyền Hà Nội thường trưng ra con số chừng 700 báo và tạp chí in, hai chục báo điện tử, cùng gần bảy mươi đài phát thanh – truyền hình trên cả nước để chứng minh cho hệ thống báo chí được gọi là rộng mở tại Việt Nam. Hoạt động trong lĩnh vực này còn có 17 ngàn người được cơ quan chức năng cấp thẻ, gọi là thẻ nhà báo.


Tôi hay nói đùa cùng bạn bè ‘cách mạng quá đến nổi không cần thay đổi mình’. Báo chí trong nước chỉ cần đi bên ‘lề phải’ thôi.

Bà Dương Thị Xuân


Tuy nhiên, lâu nay có ý kiến cho rằng gần như tất cả các cơ quan báo chí, truyền thông tại Việt Nam chỉ nói lên một tiếng nói duy nhất là tiếng nói của Đảng và Chính phủ, chứ chưa được phép thực hiện nhiệm vụ đích thực của báo chí là thông tin một cách khách quan, trung thực, đa chiều; báo chí phải hoạt động độc lập, không chịu sự chi phối của cơ quan chức năng, của chính phủ.

Chính những người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí tại Việt Nam thừa nhận có những vấn đề mà họ không được đề cập đến, đó là những đề tài mà Nhà Nước cho là nhạy cảm như tình hình tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với phía Trung Quốc, rồi tình hình đấu tranh cho dân chủ – nhân quyền – tự do tôn giáo của những đối tượng bất đồng chính kiến, các vụ biểu tình đòi đất, đòi tài sản, khiếu kiện đông người… Tất cả những vấn đề vừa nêu đều phải viết theo chỉ đạo, tức sau khi được ‘bật đèn xanh’ và trình bày với góc nhìn có lợi cho phía Nhà Nước…

Nhiều trường hợp vì có những bài viết nêu ra thực trạng đất nước một cách thẳng thắn, hay nói lên tình cảnh của những người bị đàn áp, đối xử bất công như trường hợp cô Phạm Thanh Nghiên, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng… đã bị kêu án tù với kết buộc từ phía cơ quan chức năng là ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.


Báo chí tại VN dành nhiều trang để bình luận về World Cup, ành   chụp tháng 6/2010. RFA Photo.
Báo chí tại VN dành nhiều trang để bình luận về World Cup, ảnh chụp tháng 6/2010. RFA Photo.

Ông Bùi Như Thủy ở Hải Phòng, một người lâu nay từng viết tổng cộng 21 thư kiến nghị gửi cho Quốc hội, nói về trường hợp ông này muốn nêu ra các bức xúc trên báo chí chính thức của nhà nước mà không được đành phải tìm đến với hệ thống báo chí ngoài luồng:

“Tôi đã gửi cho rất nhiều báo nhưng họ không nơi nào họ dám đăng. Tôi đi thăm dò bạn bè, họ chỉ cho tôi đến với trang mạng ‘Bauxit.vn’ Tôi gửi cho trang mạng này thư kiến nghị thứ 20 của tôi. Hai ngày sau họ đăng toàn bộ bức thư đó và cũng nói rõ ‘thái độ’ của ‘boxitvn’. Sau một tháng tôi định gửi thư kiến nghị 21 vào đầu kỳ họp Quốc hội; nhưng ở Hải Phòng mất điện nhiều, đánh máy rồi đi in cũng mất công nhiều. Dẫu vậy tôi cũng gửi dịp này vì các vị Đại biểu đều có đọc ‘boxitvn’ do mạng này đề cập đến các vị ấy nhiều nên họ đều tìm để xem” .


Internet, vị cứu tinh

Nhờ hệ thống Internet với các trang mạng xã hội, cũng như nhật ký blog, nhiều người lâu nay có thể phổ biến ý kiến thẳng thắn, cũng như loan đi những thông tin mà báo chí chính thức không được phép truyền tải.

Một nhà báo tự do, bà Dương Thị Xuân, lâu nay cũng có những bài viết đưa lên mạng về các vấn đề bị cho là nhạy cảm, có nhận xét về hệ thống truyền thông hiện nay trong nước:

“Tất cả những điều tôi nêu ra đều tương tự những điều mà ông Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh nêu, và đến nay đều còn giá trị. Tuy vậy chính những điều đó Nhà nước Việt Nam đang mắc chẳng khác gì chế độ thực dân Pháp trước đây, mà có khi còn nặng nề hơn. Bởi vì dưới chế độ thực dân Pháp trước đây, báo chí còn có báo chí tự do, còn có báo chí tư nhân, còn có những nhà báo có thể thành lập báo tư nhân như của Cụ Huỳnh Thúc Kháng ( từng có lúc là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), báo ‘Tiếng Chuông Rè’; rồi Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu… cũng là nhà báo tự do.


Nếu không có lề trái làm sao có lề phải. Sách cổ của các cụ cũng nói bàn tay có bàn phải, có bàn trái; vậy báo chí chỉ có ‘lề phải’ không thì có thể có trung thực không?

Bà Dương Thị Xuân


Còn dưới chế độ của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, với ngày 21 tháng sáu hằng năm là ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi hay nói đùa cùng bạn bè ‘cách mạng quá đến nổi không cần thay đổi mình’. Báo chí trong nước chỉ cần đi bên ‘lề phải’ thôi.

Nếu không có lề trái làm sao có lề phải. Sách cổ của các cụ cũng nói bàn tay có bàn phải, có bàn trái; vậy báo chí chỉ có ‘lề phải’ không thì có thể có trung thực không?”

Vào ngày 5 tháng 5 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền Thông và Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của các cơ quan báo chí năm nay.

Một vị tướng Tổng cục phó Tổng cục An Ninh, thuộc Bộ Công an là Trung tướng Vũ Hải Triều cũng đến dự hội nghị này, và khi phát biểu ông này cho biết trong thời gian qua đã cho đánh sập 300 trang mạng và blog mà cơ quan chức năng liệt vào loại ‘xấu’.

Thông tin này không được báo chí trong nước nêu ra, mà lại do một nhà báo ở Việt Nam gửi cho bạn bè ở nước ngoài để rồi tin đó được loan ra.

Sự hiện diện của những quan chức thuộc ngành tuyên giáo, tư tưởng- văn hóa, an ninh tại một hội nghị quy tụ hầu như tất cả những người chủ chốt của các báo, tạp chí, cơ quan phát thanh- truyền hình trên cả nước tại hội nghị, cho thấy sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với truyền thông tại Việt Nam. Không phải hằng năm, mà theo định kỳ hằng tuần hay hằng tháng các Tổng Biên tập phải đến cơ quan tư tưởng văn hóa các cấp để được hướng dẫn về các vấn đề họ được loan đi, hay mức độ trình bày vấn đề trên các phương tiện mà họ được phép quản lý.

GM

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-s-media-in-the-opinions-of-freelancers-GMinh-06232010215133.html