Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

60 năm cuộc chiến Triều Tiên

Chí nguyện quân Trung Quốc 'Kháng Mỹ viện Triều' trong cuộc chiến mà hệ lụy còn đến ngày nay.


Vào tuần này, thế giới kỷ niệm 60 năm Chiến tranh Triều Tiên trong lúc căng thẳng hai miền Nam Bắc vẫn còn cao sau vụ tàu Cheonan.

Giới quan sát cũng nhắc lại việc Trung Quốc tham chiến và cho rằng đây tiếp tục là bài học cho quân đội nước này trước nguy cơ một lần nữa sa vào mối quan hệ khó xử.

Dù kéo dài chỉ ba năm, từ 25 tháng 6 năm 1950 đến ngày Đình chiến 27 tháng 7 năm 1953, chính thức mà nói cuộc chiến chưa bao giờ thực sự chấm dứt.

Trung Quốc vào cuộc

Chiến tranh Triều Tiên được cho là mở màn cho xung đột hai phe tự do và cộng sản tại Châu Á mà xung đột tiếp đó tại Đông Dương làm bùng nổ cuộc chiến Việt Nam.

Dù tham chiến ngắn, Hoa Kỳ đã gửi tới chiến trường Đông Bắc Á gần 1,8 triệu quân, và trong đó hơn 36.900 người bị giết, con số không nhỏ hơn bao nhiêu so với thiệt hại sinh mạng của Mỹ tại Việt Nam (58 nghìn).

Nhưng đây cũng là cuộc chiến duy nhất Trung Quốc đụng độ trực tiếp với Hoa Kỳ, và con số Chí nguyện quân cộng sản Trung Hoa bị giết rất lớn.

Trên bán đảo Triều Tiên, di sản của cuộc chiến không chỉ là ngôi nhà tại Bàn Môn Điếm với quân đội hai miền Nam Bắc đối mặt hàng ngày, và dải đất phi quân sự chia cắt hai bên.

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chính là di sản lớn nhất của chiến tranh với thể chế quân sự hóa và người dân bị động viên "trực chiến" liên tục cho tới ngày hôm nay.


Tổng thống Rhee Syngman nhờ Tướng Douglas MacArthur chống quân cộng sản miền Bắc.


Với Trung Quốc, tác động của chiến tranh Triều Tiên là rất lớn.

Ông Vu Tân, Giám đốc Chương trình Đông Á, ĐH Wittenbuerg University, Hoa Kỳ cho rằng với người Mỹ đây là cuộc chiến "bị quên lãng", nhưng với Trung Quốc thì không.

Trong cuốn 'Cuộc chiến nhiều cách diễn giải' (One War, Various Interpretations), ông viết rằng Trung Quốc vẫn chưa ngã ngũ về việc đưa cả triệu quân sang 'Kháng Mỹ viện Triều" một phần vì bối cảnh ngày hôm nay cũng là điều "tiến thoái lưỡng nan" (dilema).

Một học giả khác, ông Lưu Minh ở Trung Quốc thì cho rằng nhìn lại quyết định của Mao Trạch Đông hồi đó, Trung Quốc không thể tránh khỏi việc dính líu vào cuộc chiến.

Thậm chí, ông giữ quan điểm rằng nhờ tham chiến mà Trung Quốc có một vị thế cao hơn trong quan hệ với các cường quốc.

Trong nghiên cứu mang tên 'Đánh giá lại Chiến tranh Triều Tiên sau 60 năm', ông Lưu cho rằng sau khi Stalin chấp nhận để Kim Nhật Thành nổ súng trước, Mao Trạch Đông đã thấy đó là một cơ hội để biến Bắc Triều Tiên là vùng trái độn, ngăn thế lực của Mỹ ở miền Nam với vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Ông Mao cũng tin rằng quân Mỹ, sau khi chiến thắng Nhật Bản ở Thái Bình Dương, là một mối đe dọa cho nước Trung Hoa cộng sản vừa thành lập.

Giáo sư Thời Ân Hoằng, nhà nghiên cứu quan hệ Trung - Mỹ tại Trung Quốc tin rằng chiến tranh Triều Tiên nằm trong chiến lược xây dựng phòng tuyến đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á.

Theo ông, Trung Quốc "chiến thắng" trong xung đột Triều Tiên nhưng đã "trả giá rất cao".

Hệ lụy cho châu Á

Còn Nguyễn Minh, chuyên gia từ Đài Loan trong nghiên cứu về chiến tranh Triều Tiên (Eulogy to the Korean War) thì nhắc đến hệ lụy của cuộc chiến với tình hình Đài Loan và thúc đẩy tâm lý phòng thủ, giảm nhẹ nhân quyền và tự do ở cả Đài Loan, hai miền Nam Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Tại Nam Hàn, chủ nghĩa chống cộng, một phần của cuộc chiến Nam Bắc, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Hán Thành quân sang Nam Việt Nam cùng Hoa Kỳ.


Quân Mỹ tại Nam Việt Nam

Sau chiến tranh Triều Tiên, quân đội Mỹ đã dính líu ngày càng sâu vào chiến trường Nam Việt Nam


Chế độ độc tài quân sự tại miền Nam cũng nhờ tình trạng chiến tranh kéo dài mà tồn tại được cho tới khi dân chủ nở rộ.

Ngay tại Đài Loan, dư âm của cuộc chiến Triều Tiên thể hiện mối đe dọa có thực khiến Quốc Dân Đảng lý giải phần nào việc duy trì thể chế đ̣ôc đoán trong nhiều năm.

Giáo sư Thời Ân Hoằng cũng nêu quan điểm rằng cuộc chiến giữa hai miền Triều Tiên "trực tiếp dẫn tới cuộc chiến Việt Nam" kéo dài sau đó nhiều năm.

Ngày nay, các tranh cãi không chỉ tập trung vào con số quân các bên bị thương vong mà còn cả về tác động của "nỗi sợ" bị tình hình lôi cuốn vào xung đột quân sự đối với nhiều thế hệ chính trị gia mỗi khi phải đề cập đến chủ đề Nam Bắc Hàn.

Về con số, tổng thiệt hại nhân mạng của Hoa Kỳ là gần 40 nghìn, Anh Quốc có gần 1100 quân bị giết tại trận, gần 2700 bị thương và hơn 1000 hoặc mất tích, hoặc bị bắt làm tù binh.

Phía Trung Quốc nói họ chỉ có khoảng 114 nghìn quân bị giết nhưng tài liệu của Ngũ Giác Đài cho rằng con số này lên tới 400 nghìn, gồm cả con trai Mao Trạch Đông là Mao Ngạn Anh.

Bên cạnh đó, số Chí nguyện quân Trung Quốc bị thương, theo tài liệu của Mỹ là gần nửa triệu.

Phía Anh nêu ra con số chừng 46 nghìn quân Nam Hàn bị giết, với thương vong phía miền Bắc cao hơn nhiều: 215 nghìn bị giết, trên 300 nghìn bị thương và trên 100 nghìn mất tích hoặc bị bắt làm tù binh.

Nhiều năm trôi qua nhưng quyết định tham chiến của Hoa Kỳ vẫn còn được giới sử gia gọi là "vấn nạn Truman/MacArthur".

Cho tới tháng 1 năm 1950, Ngoại trưởng Dean Acheson vẫn cho rằng cả bán đảo Triều Tiên nằm "ngoài phạm vi phòng thủ" (defense perimeter) của Hoa Kỳ.

Nhưng Tổng thống Harry Truman đã nghe lời tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh quân Mỹ, dấn sâu vào xung đột bảo vệ miền Nam chống miền Bắc xâm lấn đã đưa Hoa Kỳ lại gần cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc.

Tuy nhiên, xung khắc hai bên đã khiến Tổng thống cách chức tướng MacArthur, tạo tiền lệ cho những vụ Tòa Bạch Ốc không đồng ý với một số tướng lĩnh về cách điều hành chiến tranh tại Việt Nam sau này và ở Afghanistan hiện nay.

Lý lẽ chống làn sóng "cộng sản" và giúp chính quyền miền Nam của Tổng thống Rhee Syngman sau đó được áp dụng ở Việt Nam trong cuộc chiến tàn khốc hơn và bị quốc tế hóa sâu rộng hơn với Liên Xô và cả phe cộng sản đứng đằng sau miền Bắc.

Bình Nhưỡng cũng gửi một số phi công sang giúp Hà Nội chống lại các cuộc không tập của người Mỹ, còn Trung Quốc gửi các đơn vị công binh và phòng không.

Tuy nhiên, Bắc Kinh tránh để quân đội của họ giáp mặt với Hoa Kỳ và sau này đã đạt thoả thuận trực tiếp với Washington về Việt Nam năm 1972.

Tại Đông Bắc Á, bên cạnh quân Anh Mỹ còn có các lực lượng của Canada, Úc, New Zealand... cũng tham gia cuộc chiến dưới cờ Liên hiệp quốc.

Ngày nay cộng đồng quốc tế dù đã qua cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh nhưng chưa có giải pháp gì cho bế tắc trong quan hệ Nam Bắc Hàn đang nghiêm trọng hơn sau vụ tàu Cheonan.


Cảnh nạn nhân cuộc chiến Triều Tiên báo hiệu sự thảm khốc cho các xung đột Đông Dương về sau.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/06/100622_korea_war_60_years.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét