Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Sao vẫn còn mơ Quốc văn giáo khoa thư?

Phạm Toàn

Trong nỗi thất vọng đối với Cải cách Giáo dục và đặc biệt đối với việc dạy Văn ở trường phổ thông, nhiều người từng trải qua nền Giáo dục xưa thường bâng khuâng quay về với Quốc văn giáo khoa thư (QVGKT) và thấy sao mà nó đáng lưu luyến thế! Thực ra, đó là một cuốn sách giáo khoa tầm thường, sai lầm tệ hại về khoa học. Điều đáng nêu thành câu hỏi, ấy là tại sao sách đó lại “thành công” trong lòng nhiều cựu sinh viên?


Quốc văn giáo khoa thư?

Theo mẫu cuốn sách Le Livre Unique de Francais dạy tiếng Pháp bậc Tiểu học cho dân thuộc địa, QVGKT là sách dạy tiếng Việt bậc Tiểu học(1) cho học sinh Việt Nam thời Pháp thuộc. Theo mẫu sách tiếng Tây, sách tiếng Ta này cũng dùng văn chương để “chuyên chở” ngữ pháp, cũng dùng chủ điểm để cung cấp từ ngữ, cũng dùng cách đặt câu để tập viết bài văn, và cũng thông qua phần Văn chương để “kết hợp” đem đến cho học sinh các kiến thức Lịch sử, Đạo đức, Địa lý, Khoa học thường thức hoặc Văn hoá...

Cấu tạo mỗi bài trong sách đó đều như sau :

- Bài đọc, là một bài văn mở đầu dùng cho tập đọc và chính tả; (thí dụ, bài 1 có bài khoá “Tràng học vui”).

- Dưới bài đọc có phần Giải nghĩa những từ coi là khó đối với học sinh; (thí dụ, bài 1 giải nghĩa từ “đánh bóng” – chỉ việc học sinh dùng lá chuối khô đánh cho bàn học bóng nước lên).

- Bài tập, là một hỗn hợp ngữ pháp gồm có:

+ Học tiếng (cung cấp từ cho học sinh); (thí dụ, cũng trong bài 1, cung cấp các từ nhà gạch, mái ngói, cửa chớp, cửa kính, bàn ghế, bản đồ, sách vở, thầy giáo, học trò, tràng học.

+ Tiếp đó là phần Làm văn (có bài lại thay đổi đề mục thành Đặt câu), cho các câu hỏi để học sinh trả lời nói và viết; (thí dụ, cũng trong bài 1, cho học sinh trả lời các câu hỏi Nhà tràng làm bằng gì? Cửa ngõ thế nào? Trong các lớp học, trông thấy những gì? Sao ta nên bảo nhau đi học?

+ Cuối trang sách có một câu ghi nhớ mang tính chất dặn dò, răn dạy, khuyên lơn; (thí dụ, cũng trong bài 1, cho học sinh ghi nhớ Ta nên bảo nhau đi học.

Còn cấu tạo chung cả cuốn sách ra sao? Trích mấy đề mục sau có thể giúp ta nhận ra cấu trúc đó.

Bài Tên Bài Nội dung kèm
1
4
5
8
9
18
28
37
51
56
60
68
80
81
Trường học vui
Lịch sử nước ta
Khuyên hiếu đễ
Làng tôi
Chọn bạn mà chơi
Bệnh ghẻ
Thợ làm nhà
Bữa cơm ngon
Học thuộc lòng
Đứa bé và con mèo
Một cái thư
Lý trưởng làng ta
Gừng và riềng
Chuyện ông Tử Lộ
Nên bảo nhau đi học
Phải hiểu biết lịch sử đất nước
Phải hết lòng thờ cha mẹ
Phải yêu làng nước mình
Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng
Phải giữ vệ sinh thân thể
Cách thức làm một ngôi nhà
Trọng tình cảm gia đình
Phương pháp học tập
Phải thương yêu loài vật
Cách viết thư và gửi thư
Tổ chức chính quyền ở làng xã
Khoa học thường thức
Thờ phụng cha mẹ

Bài khoá số 51 về “phương pháp học tập” cần được trích nguyên xi hẳn sẽ giúp ta tự đánh tan mọi ảo tưởng về cuốn QVGKT kia.

Thằng Bút học bài ngụ ngôn. Nó đọc cả bài hai ba lượt, rất có ý và nhận nghĩa cho thật hiểu.

Nó đọc câu đầu, rồi không nhìn vào sách mà đọc lại. Nó đọc lại thong thả, rõ ràng, không sai chút nào.

Nó đọc sang câu thứ hai. Thuộc rồi, đọc lại cả với câu đầu. Rồi nó học luôn như thế cho đến câu cuối cùng.

Sau Bút đọc lại cả bài, năm bảy bận. Lúc bấy giờ, gấp sách lại, đọc làu làu, chắc mai vào lớp không sợ ngắc ngứ (trúc trắc).

Nghịch lý ở đời lắm khi như thế, nhiều khi con người ta hoài cổ không vì cái Xưa là cái đẹp lý tưởng, mà vì người ta bất bình với cái Nay, và rất có thể cái Xưa có nhỉnh hơn so với cái Nay. Thì ở trường hợp QVGKT cũng thế, người ta khen sách này là nó có văn. Bài trích chuyện thằng Bút trên có văn hay không, xin tuỳ bạn xét!

Lưu luyến Quốc văn giáo khoa thư?

Trong vài bài khác của QVGKT thực ra có một số câu văn mượt mà thường vẫn được nhiều người nhắc lại thuộc lòng. Ai bảo chăn trâu là khổ? Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!... Nhưng chỉ mấy câu mượt mà đã đủ là văn chưa? Mấy câu lục bát rao bán thuốc của Xuân Tóc Đỏ đã đủ thành áng văn chương chưa? Câu hỏi nêu ra tự nó đã hàm chứa câu trả lời phủ định. Vậy có lẽ nên hỏi cách khác, còn cần phải thế nào nữa kia mới là văn?

Vậy thì, Văn hời Văn hỡi Văn ơi... mi ở đâu?

Hỏi “tiền anh để đâu?” dễ trả lời. Nó ở trong túi, trong rương, nó nằm trong tài khoản ngân hàng. Khi con Hổ hỏi con Trâu “trí khôn mày để đâu?” thì đã là một câu hỏi quá khó. Nhà tâm lý học hiện đại người Mỹ Howard Gardner (2) đi gần hết đời mới làm le lói được cấu tạo của bảy thành phần trí khôn người, mới chữa được cách nhìn của con Trâu và con Hổ muốn trực quan nhòm thấy cái trí khôn tròn trịa một khối.

Cũng theo cách nhìn trực quan, rành rành Văn dùng ở chốn học đường nằm ở trong cuốn sách giáo khoa chứa đựng những bài thơ và bài văn nào đó. Tác động của những cuốn sách đó đến học sinh đương thời ra sao, hẳn chẳng còn là điều bí mật với mọi người. Vả chăng Văn cũng không nằm trong những cuốn sách đó. Cũng giống như chuyện Hạnh phúc, chỉ bằng cách nhìn trực quan, thì hẳn là nằm ở chỗ chàng và nàng và con đi chơi sắm sanh sốp-pinh. Thế rồi đánh đùng một cái, lại đâm đơn li dị. Vậy nếu không trực quan hời hợt, thì Hạnh phúc cũng như Văn chắc là phải nằm ở một chỗ nào khác nữa kia!

Thay vì hỏi Văn nằm ở đâu, nếu hỏi cách khác sẽ dễ trả lời hơn, cái Tâm linh nghệ thuật hoặc cái năng lực Văn mang tính người bộc lộ ra sao, bộc lộ ở đâu và bộc lộ như thế nào? Hình như ta sẽ thấy cái năng lực người mang chất văn ấy nằm trong khả năng con người có được một sự cộng hưởng. Cộng hưởng cái gì và cộng hưởng diễn ra thế nào? Thế giới thì quá to, nhưng sẽ tồn tại cái thế giới đó một khi trong tâm linh con người có được sự cộng hưởng nhỏ bé của cái to tát kia. Cuộc đời quá bề bộn, nhưng nó sẽ gọn gàng giản dị đến vô cùng một khi có được phần cộng hưởng cái bề bộn cuộc đời trong lòng một con người. Cuốn sách, bài thơ, bức tranh, vở kịch, điệu nhạc... là những cơ hội vừa huấn luyện năng lực cộng hưởng và đồng thời giúp con người bộc lộ năng lực cộng hưởng của mình. Tiếng cộng hưởng đó phong phú vô cùng vì có thể diễn ra khác nhau tuỳ theo tạng từng con người và cũng tuỳ theo từng cơ may. Hình như Antoine de Saint Exupéry đã nói hộ chúng ta điều đó khi viết về chú Hoàng tử mộng mơ... Chú ngơ ngẩn gọi núi Núi ơi... và tiếng núi vang vọng đáp lại nhiều lần ơi... ơi... ơi... Chú thẫn thờ hỏi nữa Núi nghe rõ tôi không?... và tiếng núi cũng vang vọng đáp lại nhiều lần Không... Không... Không... Những tiếng “ơi” hy vọng và cả những tiếng “không” tuyệt vọng thế ấy cũng đủ thoả mãn cái tâm linh nghệ thuật ở trong mỗi con người.

Nhiều người là học trò thời QVGKT chỉ được học tiếng Việt tiểu học trình độ cỡ thằng Bút. Lên tiếp bậc Trung học họ học toàn tiếng Nước mẹ, càng quên tiếng Mẹ đẻ càng nhiều cơ may thăng tiến. Vậy tại sao lại có nhiều người giỏi tiếng Việt? Minh hoạ thú vị là những nhà thơ thời Pháp thuộc. Trong Bên sông đưa khách, Thế Lữ ngắt câu theo một ngữ pháp khác hẳn với thơ cổ điển Việt Nam:

Thuyền khách đi rồi. Tôi vẫn cho

Lòng tôi theo lái tới phương mô?

Cũng vẫn Thế Lữ, trong Cây đàn muôn điệu, trong một hơi dài với nhiều phần phụ, đã tạo ra một câu đúng ngữ pháp chia thành năm câu thơ tuyệt vời:

Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,

Và mượn cây đàn ngàn phiếm, tôi ca

Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối hay ngây thơ,

Cũng như vẻ đẹp cao siêu, hùng tráng

Của non nước, của thi văn, tư tưởng.

Năng lực ngữ pháp thì vậy, còn năng lực Văn? Vô số các bậc trí giả nước nhà cũng phải tự học Văn ngoài nhà trường hoặc qua rung cảm văn chương dân tộc Pháp. Chứ thực ra tầm cỡ QVGKT sao có đủ sức huấn luyện học sinh có những cộng hưởng tâm linh nhờ văn chương? Những cộng hưởng kia có được là do tự học, do tự tạo ra trong gia đình và trong đời vào một thời kỳ dẫu sao cũng ít biến động. Sau rồi, chẳng biết vì khiêm nhường hay vì tức giận với thực tại, chư vị cứ đổ tiếng tốt cho sách của ông đốc học Trần Trọng Kim... Và chư vị cứ phát biểu như thể xui dại con cháu quay về với QVGKT trong khi lẽ ra phải bắt tay làm ra hẳn một cái khác mới hơn, đúng hơn, hợp thời đại hơn...

Phạm Toàn

-----------------------------------

(1) Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận, Quốc văn giáo khoa thư (sách tập đọc và tập viết) lớp Dự bị, Nha Học chính Đông pháp xuất bản, 1935. Bạn đọc có thể mua sách Quốc văn giáo khoa thư do nhà xuất bản Thế giới tái bản, Hà Nội, 2002, in song ngữ Việt Pháp, cho thoả nhớ mong...

(2) Howard Gardner là tác giả của thuyết Trí khôn nhiều thành phần (Theory of Multiple Intelligence) cho rằng trí khôn con người gồm có các thành phần sau: trí khôn ngôn ngữ, trí khôn lôgic-Toán, trí khôn âm nhạc, trí khôn không gian, trí khôn cơ thể dạng động, trí khôn cá nhân hướng nội, trí khôn cá nhân hướng ngoại. Một con người không nhất thiết phải có đủ các thành phần trí khôn nói trên, và chính vì thế nhà sư phạm cần tổ chức việc học của con em theo nhiều cách thức khác nhau. Xem: Cơ cấu trí khôn, Phạm Toàn dịch, Giáo dục xuất bản lần đầu 1997, tái bản 1998, 450 trang. (Nxb. Tri thức sắp tái bản lần thứ 2, 2010 – chú thích của Hiendai.edu.vn).

Nguồn: http://www.hiendai.edu.vn/danhmuc.php?cat=5&post=55

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét