Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2010

Quốc hội nói không với đường sắt cao tốc

TTO Thứ Bảy, 19/06/2010, 16:04 (GMT+7)

TTO - Lúc 15g ngày 19-6, Quốc hội đã ấn vào nút “không tán thành” Nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM với tỉ lệ 208 đại biểu không tán thành/ 185 đại biểu tán thành và 34 đại biểu không biểu quyết.


Tàu cao tốc Shinkansen tại Tokyo (Nhật) - Ảnh: Railway - technology.com

Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã đề nghị Quốc hội biểu quyết đối với từng điều của dự thảo nghị quyết, kết quả cụ thể như sau:

Điều 1: Tán thành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM với tư tưởng chỉ đạo, nội dung và bước đi như điều Điều 2 Nghị quyết này”.

Với 439 đại biểu có mặt, chỉ có 185 đại biểu tán thành với nội dung này, 208 đại biểu không tán thành, 34 đại biểu không biểu quyết.

Điều 2: Giao Chính phủ thực hiện các công việc sau đây:

1. Rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không phù hợp với yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nguồn lực tài chính nhà nước, điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường, đặc điểm văn hóa và phân bố dân cư; trong đó có quy hoạch hệ thống giao thông Bắc - Nam, xác định rõ lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông của cả nước và các vùng.

2. Lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM. Trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh hoặc TP HCM - Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư”.

Với 409 đại biểu có mặt, chỉ có 157 đại biểu tán thành, 170 đại biểu không tán thành và 82 đại biểu không biểu quyết.

LÊ KIÊN

Quốc hội họp phiên bế mạc

Lúc 16g30 ngày 19-6, Quốc hội họp phiên bế mạc sau 25 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết một số vấn đề kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước.

Những tháng đầu năm 2010, nền kinh tế Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng trong 4 tháng 2010 tăng gấp đôi so với cùng kỳ; tỷ lệ thu ngân sách nhà nước đạt cao; các điều kiện phúc lợi xã hội tiếp tục được cải thiện...

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý một số vấn đề như nền kinh tế nước ta vẫn chưa phát triển bền vững, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang suy giảm; hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh còn thấp...

Trong kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 10 dự án Luật; thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011; Bổ sung chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh khóa 12; Đồng thời, Quốc hội cũng đã cho ý kiến 6 dự án luật khác.

Trước đó, lúc 15g30, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 với 437 đại biểu có mặt, có 430 đại biểu tán thành với nội dung này, chỉ có 3 đại biểu không tán thành và 4 đại biểu không biểu quyết.

Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; với 439 đại biểu có mặt, có 429 đại biểu tán thành nội dung này, chỉ có 6 đại biểu không tán thành và 4 đại biểu không biểu quyết.

H.NHỰT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét