Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Từ King’s Cross (Luân Đôn) đến Bắc Kinh trong hai ngày trên mạng đường sắt cao tốc mới

Bài trên Telegraph.co.uk:

(King’s Cross to Beijing in two days on new high-speed rail network)

Malcolm Moore/Từ Thượng Hải, đăng ngày 8/3/2010

Phan Hoàng dịch

Theo kế hoạch mới đầy tham vọng của Trung Quốc, hành khách sẽ có thể đi du lịch bằng tàu hỏa từ Luân Đôn đến Bắc Kinh chỉ trong hai ngày, nhanh gần như máy bay.

clip_image001
Trung Quốc đang đàm phán để xây một tuyến đường sắt cao tốc hơn 200 dặm/giờ đến Ấn Độ và Châu Âu trong vòng mười năm tới. Ảnh: Martin Pope

Trung Quốc đang đàm phán để xây dựng trong vòng mười năm tới một tuyến đường sắt cao tốc đến Ấn Độ và Châu Âu với tàu có khả năng chạy hơn 200 dặm giờ (1 dặm = 1,6 km – PH).

Theo Wang Mengshu, một thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là Tư vấn cấp cao của Dự án đường sắt cao tốc trong nước của Trung Quốc, tuyến đường này sẽ đưa hành khách từ London đến Bắc Kinh và sau đó đến Singapore. Nó cũng sẽ chạy đến Ấn Độ và Pakistan.

Trong Dự án thứ hai, tuyến đường sẽ hướng lên phía bắc, qua Nga để đến Đức và kết nối vào hệ thống đường sắt châu Âu; tuyến đường thứ ba sẽ mở rộng về phía Nam để kết nối Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện và Malaysia.

Hành khách có thể lên tàu ở London và rời tàu ở Bắc Kinh, vượt khoảng cách 5.070 dặm, chỉ trong hai ngày, nhanh như chim bay. Họ có thể đi đến Singapore, vượt 6.750 dặm trong vòng ba ngày.

Ông Wang nói: “Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để các đoàn tàu chạy nhanh gần như máy bay”, “trong trường hợp thuận lợi nhất, ba tuyến đường sẽ được hoàn thành trong vòng một thập kỷ”.

Ông Wang nói rằng Trung Quốc đã có đàm phán với 17 quốc gia có các tuyến đường sắt chạy qua, các tuyến đường này kết nối với nhau và mở rộng ra toàn bộ miền Trung, Đông và Đông Nam Á. Ông Wang cho biết, tuyến đường này cũng sẽ cho phép Trung Quốc vận chuyển nguyên vật liệu hàng hóa hiệu quả hơn.

Ông Wang nói: “Không phải Trung Quốc là người đầu tiên thúc đẩy ý tưởng này, mà là các quốc gia khác đã đến với chúng tôi, đặc biệt là Ấn Độ. Các nước này không thể tự mình xây dựng hoàn thiện tuyến đường sắt cao tốc và họ hy vọng sẽ tận dụng được kinh nghiệm và công nghệ của chúng tôi”.

Trung Quốc đang thực hiện một dự án 480 tỷ bảng Anh (thời giá hiện nay 1 bảng Anh bằng khoảng 1,4 USD – PH) để mở rộng đường sắt trong nước, nhằm xây dựng gần 19.000 dặm đường sắt mới trong năm năm tới, kết nối đến tất cả các thành phố lớn của Trung quốc với tuyến đường tốc độ cao.

Harmony Express – tuyến đường sắt nhanh nhất thế giới với tốc độ tối đa gần 250 dặm/giờ, nối Vũ Hán và Quảng Châu đã được khánh thành vào cuối năm ngoái. Tuyến đường này hoàn toàn do Trung Quốc xây dựng, nhưng sử dụng công nghệ của Siemens và Kawasaki. Harmony Express có thể vượt 660 dặm, tương đương hành trình khứ hồi từ London đến Edinburgh, chỉ trong ba giờ.

Ông Wang cho biết các tuyến đường của ba mạng lưới này chưa được quyết định xong, nhưng việc xây dựng cho tuyến đường Đông Nam Á đã được bắt đầu ở tỉnh miền Nam – Vân Nam và Miến Điện đã bắt đầu các xây dựng để liên kết với tuyến đường đó. Trung Quốc đã đề nghị cấp ngân sách cho tuyến đường Miến Điện để trao đổi quặng litium – một kim loại được sử dụng rộng rãi trong các loại pin.

Hiện nay, tuyến đường sắt duy nhất nối Trung Quốc với Đông Nam Á là tuyến đường cổ được người Pháp xây dựng ở Việt Nam cách đây một thế kỷ. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) gần đây đã đồng ý một khoản vay thứ hai 27 triệu bảng Anh như là một phần khoản vay 93 triệu bảng Anh để tái thiết mạng lưới giao thông Campuchia , dự án này sẽ kết thúc vào năm 2013. Chi phí của các tuyến đường từ Campuchia sang Singapore và sau đó từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể lên đến xấp xỉ 400 triệu Bảng Anh.

Ông Wang nói: “Chúng tôi cũng đã tiến hành công việc đầy triển vọng và khảo sát cho mạng lưới đường sắt Châu Âu; các quốc gia Trung và Đông Âu đang rất tha thiết bắt đầu dự án này với chúng tôi. Mạng lưới phía Bắc sẽ chỉ bắt đầu làm 1/3, mặc dù Trung Quốc và Nga đã nhất trí về một tuyến cao tốc qua Siberia, nơi một triệu người Trung Quốc đang sống”.

Điều trở ngại là Trung Quốc mong muốn các tuyến đường sắt cao tốc có cùng bề ngang tiêu chuẩn đường ray như tuyến nội địa của Trung Quốc. Việt Nam đã đồng ý thay đổi bề ngang tiêu chuẩn đường ray của họ, nhưng các nước khác thì vẫn còn đang phải đàm phán.

“Theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề lớn nhất là tiền”, ông Wang nói.

“Chúng tôi sẽ sử dụng tiền của chính phủ và các khoản vay ngân hàng, nhưng các tuyến đường sắt cũng có thể kêu gọi tài chính từ khu vực tư nhân và từ các nước chủ nhà. Chúng tôi thực sự thích các nước chi trả bằng tài nguyên thiên nhiên hơn là tự họ đầu tư”.

Đối với hành khách, ông Wang dự đoán, “trong vòng một thập kỷ tới , việc hạn chế visa du lịch ở Châu Á sẽ không còn nữa”.

PH

Nguồn: http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/7397846/Kings-Cross-to-Beijing-in-two-days-on-new-high-speed-rail-network.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét